Chiều ngày 10/5, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh khu vực miền Trung – Tây Nguyên” tại TP Đà Nẵng. Tại đây, các doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng vật liệu xây dựng xanh, đặc biệt là gạch không nung vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường.

Trên thực tế, hiện nay đã có các chính sách phát triển cho lĩnh vực này, song các chuyên gia cho rằng việc thực thi vẫn chưa thực sự hiệu quả. Trong đó, doanh nghiệp và chính quyền vẫn chưa thể gắn kết, phối hợp trong triển khai.

a

Hội thảo “Phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh khu vực miền Trung – Tây Nguyên” do Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam tổ chức chiều ngày 10/5.

Thông tin từ ông Trần Xuân Đính, Chủ tịch Chi hội Vật liệu xây dựng miền Trung – Tây Nguyên tại khu vực đã phát triển được gần 50 nhà máy gạch không nung với công suất hơn 800 triệu viên/năm, đặc biệt khu vực Đà Nẵng có hơn 20 nhà máy đáp ứng nhu cầu xây dựng. Tuy nhiên, vị này nhìn nhận các nhà đầu tư đang gặp khó khăn lớn trong việc việc các cơ quan địa phương không thực hiện nghiêm các quyết định 567, Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu không nung và hạn chế sản xuất sử dụng gạch, đất sét nung cũng như thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động của  các lò gạch đất sét không nung sử dụng công nghệ lạc hậu.

Cùng với đó, ông Đính cho rằng đã có sự cạnh tranh của các nhà máy gạch nung truyền thống với vật liệu xây không nung, đặc biệt là các loại gạch sản xuất thủ công giá thành thấp. Ngoài ra, các công trình dùng vốn ngân sách không sử dụng gạch không nung vẫn được thanh toán, gây khó khăn lớn cho việc sản xuất và tiêu thụ gạch xây không nung.

a

Ông Trần Xuân Đính, Chủ tịch Chi hội Vật liệu xây dựng miền Trung – Tây Nguyên 

“Từ Quý III/2022 đến nay, tình hình sản xuất kinh doanh của ngành vật liệu khu vực Miền Trung - Tây Nguyên gặp rất nhiều khó khăn. Các sản phẩm như xi măng, gạch ngói, gạch ốp lát, gỗ công nghiệp... bị giảm nhu cầu tiêu thụ, nên đa số các nhà máy sản xuất và tiêu thụ chỉ đạt 50% công suất. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của đại dịch nên kinh tế chưa phục hồi, nhưng một nguyên nhân chính nữa là cơ chế tín dụng bị siết chặt, các ngân hàng đồng loạt giải ngân với lý do hết “room” làm cho các ngành đầu tư xây dựng và nhất là bất động sản đóng băng, nhiều dự án đứng trước nguy cơ phá sản, mà ngành bất động sản chiếm tỷ lệ 10% thu nhập quốc dân”, ông Đính cho hay.

T.S Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng Việt Nam đã cam kết đến năm 2030 cắt giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường 9% với nỗ lực trong nước và có thể đạt 27% với sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế. Để làm được việc đó, đã có nhiều chính sách nhằm phát triển sản xuất và sử dụng vật liêu xây dựng xanh đã được ban hành, tuy nhiên, việc triển khai thực hiện trong thực tế còn chưa đạt được như kỳ vọng.

Ông Sâm cho biết, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất, cung ứng các loại vật liệu xây dựng xanh cho xây dựng nói chung và xây dựng nhà ở nói riêng. Hiện tại, sản phẩm được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu đa dạng về chủng loại và chất lượng, đáp ứng cho xây dựng nhà ở các phân khúc thị trường.

“Mặc dù có một số thuận lợi cơ bản, nhưng việc phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp và hiệu quả năng lượng cho xây dựng nhà ở vẫn còn thách thức. Thách thức lớn nhất và bao trùm lên tất cả là việc sử dụng các sản phẩm vật liệu xây dựng phát thải thấp và hiệu quả năng lượng còn rất hạn chế, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng” - ông Sâm nhìn nhận.

a

T.S Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam 

Theo TS. Thái Duy Sâm, nguyên nhân xuất phát từ việc cơ chế chính sách có nhưng vẫn chưa toàn diện, việc thực hiện các cơ chế chính sách đã được ban hành vẫn còn những bất cập. Đồng thời, nhận thức của các chủ đầu tư, các nhà tư vấn thiết kế, của người sử dụng về vật liệu xây dựng phát thải thấp và hiệu quả năng lượng chưa đầy đủ dẫn đến thói quen sử dụng các vật liệu xây dựng truyền thống khó thay đổi.

Ngoài ra, giá thành của vật liệu xây dựng xanh hiện cao hơn so với vật liệu xây dựng thông thường, có thể làm tăng giá thành công trình, trong khi năng lực tài chính cho đầu tư nhà ở có hạn, người sử dụng chưa tính đến hiệu quả tổng thể của công trình.

Theo ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp, Chính phủ cần tiếp tục ban hành đầy đủ và rà soát sửa đổi bổ sung các cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp và hiệu quả năng lượng, đặc biệt trong xây dựng nhà ở xã hội. Đồng thời phải có các chế tài để xử lý các trường hợp vi phạm việc thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách đã ban hành.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vật liệu xây dựng xanh, công trình xanh và lợi ích mang đến cho chủ đầu tư và người sử dụng nói riêng, toàn xã hội nói chung, để thay đổi thói quen trong việc sử dụng vật liệu xây dựng. Các cơ quan chức năng cần ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm, hướng dẫn sử dụng và định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến việc sử dụng vật liệu xây dựng xanh,...