Xi măng Nghi Sơn - Điểm lại tin tức xây dựng nửa đầu 08/2023

Ngày 21/8/2023

►QUẢNG NAM LOẠI BỎ KHỎI QUY HOẠCH 107 ĐIỂM MỎ KHOÁNG SẢN

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết sẽ điều chỉnh giảm diện tích quy hoạch từ 74,9 ha xuống còn 32 ha và bổ sung tọa độ, phân kỳ quy hoạch từ dự trữ sang quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường đối với điểm mỏ DX24, tại thôn Tỉnh Yên, xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên.


Ngoài ra, tỉnh cũng bổ sung quy hoạch 16 điểm mỏ khoáng sản, trong đó, huyện Quế Sơn có 5 điểm mỏ đất san lấp, tổng diện tích 33,62 ha; huyện Hiệp Đức có 2 điểm mỏ đất san lấp, diện tích 18,6 ha; huyện Duy Xuyên 1 điểm mỏ san lấp 8,7ha; huyện Phú Ninh 1 điểm mỏ đất san lấp 20,42 ha; huyện Núi Thành có 3 điểm mỏ đất san lấp, diện tích 15,06 ha; huyện Nông Sơn có 2 điểm mỏ đất san lấp, diện tích 19,4 ha và 1 điểm mỏ cát xây dựng 10,2 ha; huyện Đông Giang có 1 điểm mỏ sét gạch ngói 40,4 ha.

Đồng thời, loại bỏ khỏi quy hoạch 107 điểm mỏ, gồm: 12 điểm mỏ đá xây dựng tại các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Nam Giang, Phú Ninh, Hiệp Đức, Phước Sơn, Đại Lộc, Bắc Trà My; 35 điểm mỏ cát xây dựng tại huyện Phú Ninh, Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn, Nông Sơn; 15 điểm mỏ sét gạch ngói tại huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Nông Sơn; 45 điểm mỏ đất san lấp tại huyện Thăng Bình, Duy Trung, Bắc Trà My, Phú Ninh, Phước Sơn, Nông Sơn.

Theo UBND tỉnh, rất cần thiết loại bỏ, đưa ra khỏi quy hoạch các điểm mỏ không còn phù hợp, hoặc đã khai thác xong, giữ lại hay bổ sung điểm mỏ có đủ điều kiện khai thác thuận lợi, tích hợp vào quy hoạch, để tổ chức đấu giá quyền khai thác, cấp phép thăm dò và khai thác phục vụ hiệu quả công trình, dự án tại địa phương.

Nguồn: Thông tin Vật liệu xây dựng (04/08/2023)

UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Quyết định giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, tỉnh Quảng Nam sẽ loại bỏ khỏi quy hoạch 107 điểm mỏ. Ảnh: sưu tầm

 

DỰ ÁN CAO TỐC MAI SƠN - QUỐC LỘ 45 ĐƯỢC GIA HẠN ĐẾN GIỮA NĂM 2024

Dự án Cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 vừa được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận gia hạn thời gian hoàn chỉnh các thủ tục nghiệm thu, bàn giao đơn vị khai thác trước ngày 30/6/2024.

Dự án Cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 đã hoàn thành 4/5 gói thầu, riêng đoạn từ nút giao Đông Xuân đến cuối dự án (khoảng 9,7km) thuộc Gói thầu 14-XL chưa hoàn thành theo kế hoạch do quá trình triển khai gặp một số khó khăn làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các hợp đồng, trong đó nổi bật là việc công tác thi công gây nứt nhà dân, công trình lân cận.

Ban quản lý dự án Thăng Long, đơn vị bảo hiểm đã phối hợp với địa phương, tổ chức xác định mức độ ảnh hưởng và đền bù các hộ dân bị ảnh hưởng theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, còn một số hộ dân ngoài phạm vi ảnh hưởng, cản trở thi công, gây khó khăn cho công tác tổ chức thi công của nhà thầu. Dự kiến chủ đầu tư, đơn vị bảo hiểm, chính quyền địa phương sẽ giải quyết triệt để trước ngày 15/8 tới.

Trên cơ sở đó, Ban quản lý dự án Thăng Long đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, chấp thuận gia hạn thời gian hoàn thành dự án đến hết ngày 30/6/2024, trong đó các khối lượng theo hợp đồng Gói thầu 14-XL hoàn thành trước ngày 30/8/2023; nút giao Đồng Thắng-Km335+400 đến ngày 31/12/2023; hoàn chỉnh các thủ tục nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng, bàn giao cho đơn vị quản lý khai thác, các công việc cần thiết khác,... hoàn thành trước ngày 30/6/2024.

Nguồn: Báo Thanh Hoá (05/08/2023)

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản điều chỉnh thời gian hoàn thành Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2021 đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 đến ngày 30/6/2024. Ảnh: sưu tầm

 

WB DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 Ở MỨC 4,7%

Ngày 10/8 tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố bản cập nhật mới nhất về tình hình kinh tế với tựa đề “Để đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng”.

Báo cáo cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại từ 8% năm 2022 xuống còn 3,7% trong nửa đầu năm 2023. Nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 4,7% trong năm 2023 và sẽ phục hồi dần lên 5,5% vào năm 2024 và 6% vào năm 2025. Tuy nhiên sẽ có sự chững lại. Nhu cầu trong nước dự kiến vẫn là động lực tăng trưởng chính trong năm 2023. Tiêu dùng tư nhân sẽ vẫn đứng vững, với tốc độ tăng 6% so cùng kỳ năm 2022, tuy có giảm nhẹ xuống dưới mức tăng trước đạt dịch là 7% hồi năm 2019.

Về tổng thể, đầu tư sẽ đóng góp 1,8 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP. Đầu tư tư nhân dự kiến sẽ giảm nhẹ, với tốc độ tăng 4,3% so cùng kỳ năm 2022 và so với mức 8,2% hồi cùng kỳ năm 2019, do những bất định ở môi trường bên ngoài, đóng góp 1.2 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP. Đầu tư công dự kiến sẽ được đẩy mạnh, tăng 9,5% so cùng kỳ năm 2022, đóng góp 0,6 điểm phần trăm cho tăng trưởng; tuy nhiên, cũng chỉ bù đắp được phần nào cho tình hình đầu tư tư nhân đang giảm xuống.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 ở mức 4,7%. Ảnh: sưu tầm

 

Do thanh khoản được nới lỏng và Ngân hàng Nhà nước vừa tiếp tục ban hành hướng dẫn về tái cơ cấu thời hạn trả nợ; những hạn chế về nguồn tài chính dành cho các lĩnh vực bất động sản,xây dựng dự kiến cũng sẽ được khắc phục. Qua đó, hỗ trợ cho đầu tư tư nhân từng bước phục hồi từ năm 2024 trở đi.

Nguồn: CafeF (11/08/2023)

 

LỢI NHUẬN NGÀNH XI MĂNG TRUNG QUỐC GIẢM 60% NỬA ĐẦU NĂM 2023

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nửa đầu năm 2023, sản lượng xi măng lũy kế của các doanh nghiệp xi măng của Trung Quốc là 953 triệu tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng quy mô). Trong đó, quý I cầu tăng, quý II sức cầu suy yếu, mùa cao điểm vắng khách, mâu thuẫn cung cầu ngày càng gay gắt, giá xi măng tiếp tục giảm ở mức thấp đã tác động tiêu cực đến thị trường. Đặc biệt là ở miền Đông Trung Quốc và đồng bằng sông Dương Tử, nơi tiêu thụ xi măng tương đối lớn, giá xi măng ở miền Trung và miền Nam giảm mạnh, giá xi măng xuất xưởng ở một số khu vực thậm chí còn giảm xuống dưới mức dòng chi phí.

Mặc dù giá than tiếp tục giảm và mức giảm lớn hơn so với giá xi măng khiến áp lực chi phí của các Công ty xi măng giảm trong nửa đầu năm, nhưng lợi nhuận của ngành Xi măng vẫn ảm đạm, giá xi măng cả nước giảm ở mức thấp. Dự kiến nửa đầu năm, lợi nhuận ngành Xi măng Trung Quốc vẫn sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, với mức giảm khoảng 60%.

Tính đến nửa đầu năm nay, công suất sản xuất clinker và xi măng đạt hoặc vượt mức tiêu chuẩn hiện tại chiếm khoảng 15%, tăng khoảng 5% so với cuối năm trước. 

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, từ tháng 1 đến tháng 6, tốc độ tăng giá trị gia tăng của ngành Vật liệu xây dựng trên quy mô được chỉ định tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: sưu tầm


Kể từ đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tăng cường đầu tư và hợp tác vào Trung Quốc với số vốn đầu khoảng 10 tỷ NDT. Đồng thời, các doanh nghiệp Trung Quốc như Xi măng Huaxin, Xi măng Gezhouba, Sinoma International và Keda sản xuất tiếp tục thúc đẩy phát triển quốc tế, đẩy nhanh triển khai ra nước ngoài và đã xây dựng một số dây chuyền sản xuất xi măng, thủy tinh, gốm sứ và các vật liệu xây dựng khác ở Châu Phi, Trung Á và Trung Đông. 

Nguồn: Chuyên ngành xi măng (12/08/2023)